Cách cứu người bị đuối nước: Nên làm thế nào mới là đúng nhất?

Cứ mỗi khi hè về là số người bị đuối nước lại tăng cao, nhất là ở trẻ em. Đã không ít trường hợp ngoài ý muốn xảy ra cứu người không đúng cách mà ảnh hưởng đến cả nạn nhân và người cứu. Vậy cách cứu người bị đuối nước nên làm thế nào mới là đúng nhất. Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

cách cứu người khi bị đuối nước

1. Biện pháp xử lý khi gặp người bị đuối nước

cách cứu người bị đuối nước

Cần có biện pháp xử lý kịp thời khi gặp người bị đuối nước

Tai nạn dưới nước đang là tình trạng đáng báo động gây rất nhiều ca tử vong ở Việt Nam. Nếu không nhanh chóng được cứu kịp thời người bị nạn sẽ bị tử vong. Theo số liệu của WHO thì hàng năm có đến 372.000 người tử vong do chết đuối mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn khi trẻ em chơi ở dưới nước hoặc thiếu các kỹ năng bơi lội hay thậm chí là không biết xử lý khi gặp sự cố ở dưới nước.

Rất nhiều trường hợp do người bị nạn hoảng loạn khi bị đuối nước nên gây không ít khó khăn cho người cứu hộ. Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng khi cứu người bị đuối nước:

Nhận định tình huống

Từng giây từng phút đối với những người bị đuối nước là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân. Để có thể nhanh chóng cứu sống nạn nhân, người cứu nên chú ý những điều sau như:

– Xác nhận người đó có đang bị đuối nước hay không

cứu người đuối nước

Xác định một người có bị đuối nước hay không

Để xác nhận một người có đang bị đuối nước hay không không phải là một điều dễ dàng gì. Nhiều người lầm tưởng rằng những nạn nhân bị đuối nước có thể kêu cứu hoặc té nước để báo động cho người trên bờ biết như trên tivi, phim ảnh. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Trên thực tế nếu như nạn nhân đang thực sự bị đuối nước, họ sẽ không thể tạo ra bất cứ tiếng động nào nên phải đặc biệt chú ý đến tay nạn nhân sẽ vùng vẫy trên mặt nước bởi chỉ trong vòng 20-60 giây nạn nhân có thể chết đuối.

– Hô hào tìm người giúp đỡ

Nên nhớ, khi gặp người bị đuối nước bạn nên hô hoán thật to lên để những người xung quanh biết có người đang bị đuối nước, nhất là những người không biết bơi hoặc không tự tin vào khả năng của mình. Cho dù là bạn đã có kinh nghiệm thì cũng không nên tự mình hành động, hãy nhờ vào sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Đặc biệt nếu thấy nạn nhân đang úp mặt xuống nước cần phải nhanh chóng gọi đường dây nóng để có thể kịp thời xử lý những tình huống xấu hơn nữa có thể xảy ra.

– Tìm phương án cứu nạn

Việc cứu người bị nạn đúng là cần nhanh chóng nhưng không vì thế mà bạn hoảng loạn bởi khi đó có thể mắc phải những sai sót hơn và sẽ khiến nạn nhân thêm phần sợ hãi.

Trong trường hợp này hãy thật bình tĩnh để có thể tìm ra được phương án cứu nạn tốt nhất. Tùy thuộc vào địa điểm nạn nhân gặp nạn hay khả năng của người cứu hộ thì nên áp dụng những cách cứu người bị đuối nước cho phù hợp.

Trường hợp nạn nhân không quá xa bờ và người cứu không biết bơi

Có nhiều cách cứu người bị đuối nước trong trường hợp này.

– Sử dụng một cây gậy dài

cứu người

Sử dụng một cây gậy dài để cứu nạn nhân

Trước tiên bạn hãy tìm một cây gậy kim loại dài có móc ở đuôi hoặc một thiết bị để cuốn quanh nạn nhân trong trường hợp nạn nhân không thể tự nắm được. Trong trường hợp không có gậy các bạn có thể sử dụng cành cây để cứu người bị đuối nước. Nên nhớ dặn những người xung quanh tránh xa phần đuôi gậy để tránh va chạm và ảnh hưởng đến công việc cứu hộ.

Chú ý đứng cách mép nước một đoạn để không bị kéo ngược xuống nước. Giữ gậy thật chắc và tiến hành thật cẩn thận vì bạn khó có thể nhìn thấy được mọi thứ khi cứu nạn. Đồng thời cũng không được móc gậy ở sát cổ để tránh gây ra thương tích sẽ khiến việc giải cứu trở nên khó khăn hơn.

Kéo nạn nhân đến nơi an toàn thật chậm rãi nhưng trước đó phải đảm bảo nạn nhân nắm được gậy trước khi bắt đầu kéo họ lên. Người cứu hộ nên nằm sấp xuống và đảm bảo luôn ở tư thế vững chắc trước khi hỗ trợ.

– Sử dụng những vật cứu trợ có thể ném được

cách cứu người bị đuối nước

Sử dụng phao cứu hộ để cứu người bị đuối nước

Nếu không có gậy các bạn có thể sử dụng những thiết bị như phao cứu trợ, áo phao hoặc đệm nổi có dây buộc để tìm cách cứu người bị đuối nước. 

Ném phao cứu trợ: Chú ý khi ném phao đến chỗ người bị nạn bạn nên chú ý đến hướng gió và dòng nước, thông báo cho bạn nhân biết để có thể bắt lấy được phao cứu hộ. Để có thể giúp nạn nhân có thể nắm được phao cứu trợ bạn nên ném phao xa hơn chỗ nạn nhân đang bị nạn rồi từ từ dùng dây kéo phao lại chỗ họ. Sau vài lần không thành công, bạn cần phải thử các phương pháp khác.

Trường hợp nạn nhân ở xa bờ cần tiếp cận để ứng cứu

học bơi

Bơi ra để đưa nạn nhân vào bờ

Nếu không thể cứu người bằng những phương pháp trên mà phải bơi ra để cứu nạn nhân thì người cứu nạn phải đảm bảo có kỹ năng bơi lội tốt và có thể mang theo đồ cứu trợ đồng thời kết hợp những kỹ thuật sau:

– Trường hợp có đầy đủ đồ cứu hộ

Nếu có những đồ cứu trợ như phao, thùng, can và dây thì nên để một người giữ dây ở trên bờ, người còn lại sẽ mang đồ cứu trợ bơi tới vị trí nạn nhân để kéo nạn nhân vào bờ.

Nên bơi sải để có thể nhanh chóng tiếp cận người bị đuối nước. Đối với những nơi nước sâu thì nên sử dụng kỹ thuật bơi phù hợp nhất để tránh bị sóng đánh bật trở lại.

Hãy hướng dẫn nạn nhân cách nắm lấy đồ vật sao cho đúng nhất. Lưu ý khi người cứu bơi tới vị trí nạn nhân thì cần bơi vòng ra phía sau, tránh tiếp cận từ phía trước vì có thể sẽ bị nạn nhân ôm chặt và dìm xuống nước.

Cuối cùng là bơi thẳng về phía bờ và kéo nạn nhân ở phía sau. Nhưng nên thường xuyên quay lại xem để chắc chắn nạn nhân vẫn đang nắm lấy phao hoặc dây. Tiếp tục bơi cho đến khi đến nơi an toàn và thoát khỏi mặt nước. Đồng thời cũng cần phải giữ khoảng cách an toàn với nạn nhân.

– Trường hợp không có các vật dụng cứu hộ

Trường hợp không có các vật dụng như phao, dây, người cứu hộ biết bơi có thể tiếp cận vị trí nạn nhân và sử dụng các kỹ thuật sau để cứu người bị nạn:

Kỹ thuật bơi ếch ngửa: Người cứu tiếp cận nạn nhân từ phía sau, dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phía trên người cứu, người cứu hộ bơi ngửa sử dụng kỹ thuật chân bơi ếch để đưa nạn nhân vào bờ. Lưu ý, giữ cho mặt nạn nhân luôn ở phía trên mặt nước.

Kỹ thuật bơi ếch nghiêng cứu người: Với kỹ thuật này, người cứu hộ cũng tiếp cận phía sau nạn nhân, một tay vòng ra phía trước luồn xuống dưới nách nạn nhân, bơi nghiêng đưa nạn nhân vào bờ. Trong một số trường hợp người cứu có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân để kéo vào bờ. Lưu ý giữ cho mặt nạn nhân luôn nổi trên mặt nước.

Sau khi đã đưa được nạn nhân vào bờ, cần chú ý xem xét đường thở, hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân. Yêu cầu gọi 911 và kiểm tra xem người đó có đang thở bình thường và có vật gì cản trở đường thở hay không. Nếu nạn nhân không còn thở hãy thử bắt mạch cổ tay hoặc ở phía bên cổ trong 10 giây sau đó tiến hành sơ cứu.

2. Hướng dẫn cách sơ cứu người bị đuối nước

sơ cữu

Sơ cứu người bị đuối nước

Để không ảnh hưởng đến sự sống còn của nạn nhân thậm chí là có thể gây nên di chứng não, người tiến hành sơ cứu người bị đuối nước nhất định phải thực hiện đúng kỹ thuật.

– Nếu nạn nhân ngừng thở

Trước tiên cần nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết.

Sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra.

Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bằng cách 1 tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu vào miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy, để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai.

Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến.

– Nếu nạn nhân bị ngưng tim

Đối với những trường hợp bị ngưng tim cần tiến hành song song xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Cách tiến hành như sau:

Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).

Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ) hoặc 15/2 (đối với người lớn). Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế, cho đến khi tự thở lại được hoặc chắc chắn đã chết.

Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Nếu lồng ngực còn di động tức là còn tự thở được, hãy đặt nằm ở tư thế an toàn, nghĩa là nằm nghiêng một bên để nếu nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi, gây viêm phổi.

Chú ý: Không được quá mạnh bạo vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân.

Thực hiện đúng các biện pháp sơ cứu người bị đuối nước sẽ giúp tăng khả năng cứu sống người bị nạn. Hơn thế nữa còn có thể tránh được những di chứng nặng nề cho những người bị đuối nước.

3. Những việc nên tránh đối với người bị đuối nước

đuối nước

Có những việc không nên thực hiện khi cứu người bị đuối nước

Tai nạn đuối nước thực sự đang là vấn đề gây nhiều lo ngại cho mọi người, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bị nạn. Nếu không được xử lý đúng cách thì có thể dẫn đến những nguy hiểm khôn lường. Hiện nay, đa số nạn nhân bị đuối nước trước khi đưa tới viện đã được xử trí cấp cứu ban đầu không đúng. Do đó, người cứu hộ nên tránh một số việc làm sau đây:

– Xốc nước

Rất nhiều người khi cứu nạn nhân lên thường làm những hành động xốc nước để nạn nhân ói hết nước trong bụng ra, tuy có một vài trường hợp làm như vậy có thể cứu được nạn nhân nhưng đây tuyệt đối là hành động không nên thực hiện. Theo lời của bác sỹ thì việc làm này có thể làm chặn đường thở khiến nạn nhân thiếu oxy, gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim.

Thông thường nước sẽ được tống ra ngoài khi người bị đuối nước tự thở được bình thường trở lại. Nên việc xốc nước là không cần thiết và còn có thể làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi gây suy hô hấp.

– Hơ lửa hoặc “lăn lu”

Đây là cách mà người dân miền Tây hay áp dụng để cứu người bị đuối nước. Người dân tiến hành đặt nạn nhân nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa ở bên trong với hy vọng sẽ giúp cho người bị nạn ấm hơn và có thể sống lại. Việc làm này cần phải được bỏ ngay vì nó chỉ khiến cho người bị nạn bị bỏng khiến cho tình trạng càng nặng thêm chứ không giúp ích được chút gì.

– Thổi ngạt và ấn tim không đúng cách

Đây được xem là hành động dễ khiến cho người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não nhất. Bạn đọc hãy tham khảo cách hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực đúng cách nhất được chia sẻ ở bên trên đối với cả người lớn và trẻ em chứ không nên thực hiện bằng cách dang 2 tay nạn nhân sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tím mà không thổi ngạt. Vì cách làm này không đem lại hiệu quả.

– Chậm trễ cấp cứu thổi ngạt – ấn tim

Nếu thấy người bị nạn có dấu hiệu bị ngưng thở, ngưng tim người cứu hộ nên lập tức tiến hành cấp cứu hô hấp nhân tạo và ấn tim ngay tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trên đường đến bệnh viện chứ không được chần chừ. Không thì có thể làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể người bị nạn bị thiếu oxy kéo dài gây chết não dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nghiêm trọng.

4. Cần làm gì để phòng chống tai nạn đuối nước

học bơi

Phòng tránh tai nạn đuối nước có thể xảy ra

Việt Nam là một quốc gia có nhiều ao hồ, sông suối, kênh rạch nên đã giúp cho ngành vận tải đường thủy gặp nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước gây thiệt hại về người và của cho người dân.

Để phòng chống tai nạn đuối nước cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Ngay cả với những người biết bơi cần chú trọng những biện pháp sau:

– Đối với trẻ em

Cha mẹ cần chủ động dạy cho trẻ biết bơi và cách giải quyết khi bị đuối nước hay cách cứu người bị đuối nước. Cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể xảy ra khi tự ý đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn.

Làm tường rào quanh nhà và ao hồ tránh cho trẻ có thể tiếp cận để hạn chế nguy cơ đuối nước. Nên lấp kín những ao hồ không cần thiết.

Những nơi có hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy,… thì phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Khu vực giếng khoan hay dụng cụ chứa nước như lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,… thì phải có nắp đậy cẩn thận.

Khi xảy ra thiên tai lũ lụt, trong quá trình sơ tán theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì cần phải có người trông coi trẻ.

Tuyệt đối không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong bồn tắm.

Khi cho trẻ đi tắm sông hoặc tắm biển cần trang bị áo phao và phải có người lớn trông coi. Những tai nạn thường xảy ra khi trẻ ở nông thôn miền núi trốn cha mẹ đi chơi mà dẫn đến đuối nước vì bơi đến chỗ quá sâu nên bị nước cuốn đi.

– Đối với người lớn

Chủ động tìm hiểu những kiến thức và kỹ năng sơ cứu khi gặp người bị đuối nước để có thể áp dụng kịp thời.

Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm

Cho dù là những người bơi giỏi thì cũng không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hay không.

Nên đi bơi cùng những người bơi giỏi và phải nhớ mang theo phao.

Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

Chỉ đi bơi ở các hồ bơi đảm bảo an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

– Lưu ý

Cần thực hiện những kỹ năng sơ cứu nhanh chóng khi gặp người bị đuối nước trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến.

Cho dù nạn nhân đã thở được bình thường sau khi cấp cứu thì cũng nhất định phải đưa đến cơ sở y tế để tránh tình trạng phù phổi cấp. Bởi vì phù phổi cấp tiến triển rất nhanh có thể gây nguy hiểm khôn lường nên không được chủ quan.

Trên đây là những cách cứu người bị đuối nước sao cho an toàn và đúng kỹ thuật nhất mà chúng tôi chia sẻ đến bạn đọc. Việc cứu người bị nạn là một hành động cao đẹp nhưng bạn cũng cần có những kiến thức để đảm bảo an toàn cho bản thân đồng thời cứu sống được người bị đuối nước. Hãy tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
phone-icon